[#Kýsựhànhtrình]
ĐÀI LOAN – BOROBUDUR 2019 – 2020:
BÀI HỌC KÉP VỀ ‘CÁI NHÌN VIÊN DUNG VÔ NGẠI’ 🌻
------------
[PHẦN 2] BOROBUDUR – INDONESIA:
GIÁ TRỊ LỘI NGƯỢC DÒNG
TỪ CHUYẾN ĐI ‘NGHỊCH DUYÊN TOÀN DIỆN’
Loạt bài về Đài Loan – Borobudur này, mình chia sẻ với mọi người một bài học quá quý giá mà mình rút ra được sau cặp chuyến đi đến Đài Loan và Borobudur – Indonesia vào những ngày cuối cùng của năm 2019. Đó dường như là bài học về một chỉnh thể liền lạc, cùng khởi đi từ một điểm tương đồng: cùng đến những trường năng lượng linh thiêng của Phật giáo. Sau đó tiến trình chuyến đi diễn ra theo hai hướng hoàn toàn đối lập: một thuận duyên hoàn toàn, là chuyến Đài Loan, một… ‘nghịch duyên’ hoàn toàn: chính là chuyến đến Borobudur vào những ngày cuối năm cũ bắt cầu qua năm mới, một thập kỷ mới. Để rồi, từ sự tưởng chừng như ‘nghịch duyên toàn diện’ đó, những giá trị tuyệt vời đã được hình thành, để rồi, cuối cùng, cả hai chuyến đi đều đã ‘chạm’ được vào cái điểm cuối tuyệt vời: tình thương, năng lượng, sự lan tỏa!
Nếu như Đài Loan là một trong những trung tâm Phật giáo hàng đầu tại châu Á và thế giới, nơi mà ở đó, Phật giáo Đại thừa phát triển rộng khắp, được gìn giữ một cách nghiêm trang, chỉnh chu và đa dạng, hòa quyện một cách nhuần nhuyễn và rất ‘đời’; thì Borobudur xứ Indonesia, trái lại lại mang lại cho khách nhà MayQ Go chúng mình những cảm giác lạ lẫm, có chút gì mang hơi thở huyền bí của lịch sử trải dài hơn một ngàn năm. Borobudur – theo tiếng Sanskrit mang nghĩa “Ngôi đền thờ Phật nằm trên đồi” đã được tạo tác từ khoảng cuối thế kỷ thứ 8, nghĩa là cách đây xấp xỉ 1.200 năm! Thật lạ, ngôi đền nằm trong một quốc gia có số dân theo đạo Hồi đông nhất thế giới và Phật giáo chỉ chiếm chưa tới 2%, lại được bảo tồn một cách trang nghiêm trân trọng, cho đến tận giờ này. Borobudur trở thành ngôi đền thờ Phật lớn nhất thế giới, cũng là một ‘đàn tràng’ – Mandala vĩ đại nhất thế giới, nơi tỏa ra những năng lượng đặc biệt mạnh mẽ do cấu trúc hài hòa và những thiết kế tinh tế, những con số vi diệu mà các tiền nhân đã dụng công xây đắp.
Mà thật ra, bản thân ngôi đền thờ Phật giáo đặc biệt này cũng đã là một minh chứng cho sự thăng trầm, chìm nổi, vô thường của lịch sử. Tồn tại được khoảng hai thế kỷ thì vào năm 1006, một trận phun trào của núi lửa Merapi cách đền 27,75km đường chim bay đã gây ra một trận động đất lớn, nhấn chìm Đền Borobudur cùng với hàng trăm ngôi đền khác quanh vùng xuống đất đen của nham thạch, của bùn tro. Để rồi mãi tận năm 1814, nó mới lại đủ duyên được vị thống đốc vùng này khai quật lại, dựa theo tài liệu cổ để gom góp từng phiến đá một mà phục dựng gần như nguyên bản, với ba phần tháp đại diện cho ba cõi: Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới; chín tầng chi tiết.
Thời gian chúng mình đến, buổi chiều hay đổ mưa to. Quyết định nhanh chóng chuyển kế hoạch đến viếng Borobudur lên thành giờ sáng, chúng mình tha thiết đề nghị mọi thành viên trong đoàn chịu khó bước từng bước chậm rãi vòng quanh từng tầng, sau một vòng lại hướng lên một vòng cao hơn. Tầng dưới cùng mô phỏng cuộc sống ở Dục giới, trong đó có kiếp sống con người và các loài hữu tình, những chạm khắc nhân thể trên vách đá với nét mặt thể hiện nhiều dáng vẻ vui buồn, thật sống động bất chấp thời gian. Năm tầng tiếp theo thuộc về Phần hai, cấu trúc hình vuông, diện tích thu hẹp dần. Tự nhiên có một sự khác biệt trong cảm thụ. Những nét mặt khác biệt khắc trên đá đồng nhất nhau ở nụ cười, tỏa ra sự an lạc tĩnh tại đến vô cùng giữa dòng người đang di chuyển tới lui. Đó là khắc họa nhiều tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca, thể hiện những sự lột xác vi diệu từ sự cái định trong tâm. Bên cạnh đó, bắt đầu xuất hiện vô số tượng Phật. Người hướng dẫn viên địa phương cho biết, nguyên bản có là 505 tượng, nhưng trải qua thời gian cùng nhiều biến cố, số lượng tượng Phật còn lại tại Đền chỉ còn trên dưới 200, nhiều tượng bị đục mất một phần, nhiều tượng bị trộm mất, có lẽ giờ đây đang lưu lạc đâu đó trong một bộ của một nhà sưu tập cá nhân nào đó.
Trong bài viết “Một lần đến Borobudur”, tác giả Nguyễn Tường Bách cho biết các tượng này tạc các vị Thiền Phật, mang đậm dấu ấn Kim Cang Thừa – tức Mật tông. Phía Đông là các vị Bất Động Phật, tay bắt ấn Xúc địa, phía Nam là Bảo Sinh Phật với ấn Cứu độ, phía Tây là A Di Đà Phật với ấn Thiền, phía Bắc là Bất Không Thành Tựu Phật với ấn Vô úy. Càng lên cao, vòng tháp càng hẹp lại, thời gian để bước giáp một vòng quanh cũng ngắn lại hơn. Để rồi lên đến phần ba của tháp, đại biểu cho Vô sắc giới với ba tầng trên cùng, tháp hình tròn với 72 ngôi Stupa (tháp có chóp, thường thấy trong Phật giáo Mật tông). Trong mỗi ngôi tháp là tượng của vị Phật Tì Lô Giá Na, vị Phật tượng trưng cho Pháp giới Hoa Tạng, tay bắt ấn Chuyển Pháp luân. Và cuối cùng, trên đỉnh của tầng thứ chín, duy nhất một ngôi tháp ‘cái’, to nhất, nằm giữa trung tâm, tạo thành ‘tầng’ thứ mười, đại diện cho ‘Thập địa’, con đường tu học cuối cùng của Đại thừa Bồ tát. Nhìn theo cái nhìn của một ‘đàn tràng’ – Mandala, đó chính là cái nhân, mà từ đó năng lượng tỏa ra và được nhân lên gấp nhiều lần thông qua cấu trúc hài hòa, cân xứng đối nhau của cả một tổng thể.
Có quá nhiều điều vi diệu nằm yên lặng sâu trong tòa tháp hùng vĩ, đàn tràng vĩ đại nhất thế giới này. Tỉ như, vì sao tại một đất nước có vẻ như rất ít liên quan tới đạo Phật, lại tồn tại một công trình Phật giáo to lớn nhất thế giới này, mà hơn nữa, lại mang đậm nét Mật tông, vốn nào giờ chỉ tưởng chỉ nổi bật ở Tây Tạng hay Bhutan, Nepal, Bắc Ấn? Ví như, vì sao trên một quốc gia có người Hồi giáo đông nhất thế giới, một công trình Phật giáo vẫn được duy trì, ngày ngày được hàng chục ngàn người đến chiêm bái, viếng thăm? Tỉ như, vì sao tất cả những ‘con số’ ẩn đàng sau mọi chi tiết kiến trúc từ lớn đến nhỏ tại Đền đều hữu ý chốt ở duy nhất một con số 10? 9 + 1 = 10 tầng tháp; 505 tượng Phật (5+5 = 10)…, và có lẽ còn nhiều con số 10 nhỏ hơn, tỉ mẩn hơn đang lặng lẽ tồn tại tại đó. Trước đây mình cũng không để ý lắm, nhưng sau dạo gần đây nghiên cứu Thần số học – Numerology, mình mới thấy đây có lẽ không chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên, vì theo một cấu trúc Numerology bậc sâu mà Thầy mình dạy (trong đó cũng được thể hiện theo dạng một cái đàn tràng – Mandala), số 10 có tên gọi Wheel of Fortune: Vòng vận mệnh, và trong Phật giáo, số 10 mang nghĩa ‘Sự vô tận’ – Infinity!
Đem điều này ra ráp ý lại với cô hướng dẫn viên già dặn kinh nghiệm, cô bảo theo Phật giáo, số 9 tượng trưng cho sự thành tựu viên mãn, cực thịnh ắt sẽ bị hủy diệt, để rồi số 10 tượng trưng cho một vòng sinh mệnh mới, sự tái sinh. Ngẫm lại tất cả những gì chúng mình đã cùng nhau từng bước từng bước chậm rãi theo chiều kim đồng hồ qua từng vòng tháp…, có lẽ không hề hay biết, nhưng mỗi người chúng mình đã được thấm đẫm trong từ trường năng lượng mạnh mẽ của đàn tràng đặc biệt này, chân đang từng bước ‘đi qua’ rất nhiều sự sinh và hủy diệt, và tái sinh…, mà có lẽ bằng một chiều kích tâm linh nào đó, đang góp phần ‘rút ngắn’ lại những chặng đường dài mà một linh hồn phải đi, giúp trải bớt những nợ nần quá khứ, để qua đó, nếu một người có đủ tấm lòng thành và sự tập trung, cả niềm tin thiện lành, sẽ đủ sức để tự bật dậy, làm lại con người mình thành một con người mới, mạnh mẽ hơn, tích cực hướng đến tương lai hơn, qua đó, sẽ có cơ hội tìm được đúng về sứ mệnh thiêng liêng mà mỗi người – khi sinh ra trong vòng đời này, đều có?
Tự nhiên nổi da gà.
Những ngày đã qua trôi ngược lại như một thước phim quay chậm. Một chuyến đi với rất nhiều sự ‘nghịch duyên’ như bày ra ngay từ những thời điểm đầu tiên cả đoàn cùng nhau đến với điểm transit là sân bay Kular Lumpur khiến cho… đến 36 trên tổng số 39 người của đoàn… không lên kịp chuyến bay nối chuyến, để hôm sau nữa, đoàn phải chia làm hai nhóm, bay hai chuyến rời tới Indonesia. Rồi bữa ăn trên máy bay bị hãng làm sót, rồi trắc trở trăm bề ngay trong ngày cuối cùng của năm mới, và những cơn mưa dầm xen lẫn những hồi nắng gay gắt làm cả đoàn mệt lả… Tất cả dường như dồn mọi người trong đoàn vào cảm giác ‘đường cùng’, xem ở tận cùng của cái chướng ngại trăm bề, của mệt, của bế tắc, ta có nổi cơn tam bành lên không, có bị đứt kết nối với nhau hay không?
Thật kỳ diệu, cả đoàn 39 người đã thực sự vượt qua những chướng ngại này một cách nhẹ nhàng, thấu hiểu và đầy tình thương. Những người kẹt ở lại đã lấy những niềm vui ít ỏi nhen lên để làm động lực, những người ‘bên kia’ không ngừng hướng ‘bên này’. Để rồi ngày nhóm mình tới, đứng đón chúng mình ngoài sân bay Yokyakarta không chỉ có người hướng dẫn viên địa phương như các chuyến đi khác, mà còn có… ba ‘người nhà’, chính là ba con người hôm qua… lọt lên máy bay, bay đúng chuyến đó! Cả hội ôm nhau, mừng mừng tủi tủi. Cảm giác thương thiết này giữa những con người không một chút máu mủ ruột rà, tiền bạc nào mua được!
Kỳ diệu thêm nữa, sau tất cả những mệt mỏi vì nắng nóng, và cả cái mệt thể xác vì đi bộ chín vòng tháp tổng cộng đến hơn 10.000 bước chân, chỉ một thời thiền ngắn cùng nhau dưới một tán cây hướng về tòa đại tháp Borobudur, mọi mệt mỏi, bức xúc, nặng nề dường như tan biến…Cả đoàn lại nắm tay nhau, cùng bày tỏ những câu quen thuộc của Thiền Xin lỗi – Thiền Tha thứ: “I am sorry – Please forgive me – I thank you – And I love you…”, và ôm nhau thật chặt, cùng nắm chặt tay thành một vòng thật rộng để nhắm mắt ‘thả’ ước mơ vào vũ trụ… Tất cả những điều tưởng chừng ‘rất buồn cười’ đó trong môi trường bình thường, ở đúng thời điểm đó, bỗng trở nên thiêng liêng đến lạ thường!
Khi cả đoàn cùng ngồi thiền bên nhau bên Bảo tháp, nắng tự dưng dịu đi, và gió mát thổi tới. Cơn mưa đúng lúc rơi xuống lúc mọi người vừa yên vị trên xe càng làm cho mọi người tin rằng, đâu đó mọi việc đều đang diễn ra theo một ‘lộ trình’ hoàn hảo nhất, kể cả mọi chướng ngại mọc ra dọc dài lộ trình, tất cả dường như càng làm cho mọi người hiểu ra rằng: khó khăn chỉ làm cho con người chúng ta cảm nhận đầy đặn thêm cái hương vị ngọt ngào của sự vượt chướng ngại, một khi chúng ta đã cùng nhau vượt qua được những chướng ngại tưởng chừng trùng trùng ấy! Phải, nếu mọi cái thuận duyên đã là quá tốt, nhưng nếu mọi cái quanh bạn đang có vẻ ‘nghịch duyên’ đều khắp, ấy là lúc Vũ trụ đang cho bạn một hệ thống tín hiệu rất rõ ràng, là Hãy mạnh mẽ hết sức có thể, Hãy cố gắng dù chỉ còn một giọt năng lượng, rồi tất cả sẽ Vượt qua được, và thành quả ấy, đẹp lắm, hay lắm, tuyệt vời lắm!
Chúng mình quả thực đã nếm được tư vị tuyệt vời ấy khi cùng nhau, lắc lư ngồi trên chuyến xe đi thăm núi lửa Merapi, nhìn cảnh vật xanh tươi mọc lên từ những vùng đất chỉ mới chín năm trước còn chìm lấp trong nham thạch núi lửa hung tàn, một trong những minh chứng mạnh mẽ nhất của sự vô thường: sinh rồi diệt, diệt rồi lại sinh trong diệt... Rồi lại lặng người đi ngắm nhìn vô số đồ vật từng là vật dùng hàng ngày của con người, giờ chỉ còn là những mẫu vật dị dạng minh chứng cho sự hủy hoại của núi lửa khi nó nổi giận. Chúng mình cũng đã tự phát cùng nhau đọc lên hồi Chú Vãng sanh trong căn phòng trưng bày những hình ảnh về những tang thương và nạn nhân của núi lửa… Tin, con trai mình, cuối ngày về nói, “Mẹ, sao chuyến đi này con không có cảm giác của đi du lịch. Giống như đi để trải nghiệm về cuộc đời, hay sao à mẹ…”
Cuối một ngày quá nhiều trải nghiệm, cả xe như xích lại gần nhau hơn. Cái cảm giác ấm áp quen thuộc, đã từng luôn xuất hiện trong những chuyến đi ‘thuận duyên’ như chuyến Đài Loan, giờ lại xuất hiện trong một chuyến xe nhiều ‘nghịch duyên’ như chuyến Borobudur. Vậy cùng nhau, chẳng phải chúng ta đã làm nên được điều kỳ diệu, tưởng chừng như không thể: biến mọi ‘nghịch duyên’ thành bài học cho chữ Nhẫn, cho chữ Bao dung, cho Lòng từ phát triển.
Sáng nay, trong group nhỏ gồm các thành viên chuyến Borobudur rộn ràng những tin nhắn, tự nhiên ‘gặp nhau’ ở ước mong: sẽ sớm có ngày quay trở lại. Đó sẽ là một dịp không trùng vào ngày lễ lạc gì, để người viếng Borobudur… vắng vắng bớt chút, để có thể thong dong chạm nhẹ từng bước chân trên từng tầng tháp, để toàn bộ giác quan và cả căn thức của tâm hồn được đắm chìm trong trường năng lượng linh thiêng của đàn tràng vĩ đại này. Lần sau, cũng sẽ cố gắng có mặt ở Borobudur thật sớm, để được dịp cùng sánh vai nhau mà đón bình minh. Lần này, chỉ một chút thiền ngắn giữa trưa dưới bóng cây, mà ai nấy đều ‘đón’ được những vầng màu sắc hồng, đỏ, cam rực rỡ, màu xanh biếc dìu dịu mênh mang và những ‘hạt năng lượng’ vi tế li ti chảy tràn vào cơ thể. Lần sau nhé, lần sau trở lại 🤗 Nói ra ước mong của mình, không ngờ, không ít người cũng muốn cùng đi với mình, quay trở lại!
Đại bảo tháp này, sao nó đặc biệt như vậy… Thấy thương quá!
(4.1.2020 – QH)
#ĐivàGhiQHLD
#MayQGo
#Borobudur #Yokyakarta #Java #Indonesia
Phần 1: ĐÀI LOAN - VÙNG ĐẤT 'THUẬN DUYÊN' TRÀN NGẬP NĂNG LƯỢNG LÀNH
https://www.facebook.com/297582483714577/posts/1511197595686387/
KỲ TỚI:
Phần 3: BÀI HỌC KÉP VỀ 'CÁI NHÌN VIÊN DUNG VÔ NGẠI'
----
🌻 Nhà MayQ Go đang nghiên cứu để chọn một thời điểm… không nhằm mùa mưa (ahihi vì Indonesia nằm ở Nam Bán Cầu, nên các mùa nghịch với bên mình đó), và mùa thấp điểm (đồng nghĩa với không qua đông khách tới đó) để mở chuyến. Sẽ công bố sớm với nhà mình nha!
🌻 Niềm vui nho nhỏ từ chuyến đi đặc biệt này, chính là một tượng Phật đẽo từ đá vùng núi lửa Merapi nổi tiếng của vùng Java – Indonesia, mô phỏng một bảo tháp nhỏ (stupa) trong đó có một vị Thiền Phật ở Borobudur. Tháp tượng này, xin góp vào làm Quà May mắn cho chuyến Đại cộng hưởng Đặc biệt – Mùng 9 Tết, nhằm ngày 02/02/20020.
🌻 … Và còn nữa: Chiếc dây đeo cổ bạn QH xỏ mẫu với ‘nhân’ là hạt cẩm thạch, ‘Vòng cổ xanh cho năm mới an lành’ đang ‘làm mưa làm gió’ chuyến Đại cộng hưởng 12/1 tới đây, bạn QH đã đeo trong suốt hành trình Borobudur này nha! Mang về, nó mỗi ngày càng lên nước, nhìn thấy thương quá. Có lẽ nó cũng đã tích được không ít năng lượng lành từ từ trường Borobudur, nên xin phép để dành tặng làm Quà tặng May mắn đặc biệt cho Duy nhất 01 BẠN HỮU DUYÊN tham gia chuyến Đại cộng hưởng DỌN LÒNG ĐÓN TẾT 12/1 nha! Thời hạn đăng ký CUỐI CÙNG vào ngày 6/1 tới, tức là thứ hai tuần sau đó. Bạn nào muốn tham gia, đừng bỏ lỡ nhen!
Search