ALEXANDRE DE BETAK - TÁC GIẢ CỦA NHỮNG SHOW THỜI TRANG ẤN TƯỢNG NHẤT HÀNH TINH
Có một nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc định hình ngành công nghiệp thời trang, nhưng công chúng yêu thời trang lại ít biết đến, đó chính là Alexandre de Betak – giám đốc sáng tạo của công ty Bureau Betak. Betak, người được mệnh danh là “Fellini của làng thời trang”, sở hữu một bộ óc sáng tạo không giới hạn. Đó là cái tên được săn lùng hàng đầu bởi các nhà mốt danh giá nhất thế giới, và cũng là cái tên nằm trong Top 500 của BoF (danh sách tập hợp 500 người có tầm ảnh hưởng lớn nhất của ngành công nghiệp phù phiếm trị giá 2.4 ngàn tỷ đô la Mỹ).
Vậy chính xác thì Alexandre de Betak làm công việc gì?
Betak thiết kế và sản xuất các show diễn, các sự kiện và triển lãm thời trang cao cấp. Mức giá sản xuất cao ngất ngưởng của các show thời trang do Betak sản xuất dao động từ 250,000 đô la (cho các thương hiệu nhỏ) cho tới 5 triệu đô la. Anh bắt đầu sự nghiệp từ năm 19 tuổi tại quê hương Pháp rồi nhanh chóng thành lập một công ty riêng mang tên Bureau Betak với 3 studio đặt tại New York, Paris và Thượng Hải, thâu tóm những thị trường “quái vật” nhất của lối sống xa xi. Trải qua ba thập kỉ hoạt động trong ngành thời trang, công ty của Betak đã tham gia thiết kế hơn 1000 show diễn, triển lãm và sự kiện lớn nhỏ, từ đó định vị chính mình vào vị trí dẫn đầu trong số các Production Agency của thế giới thời trang. Dior, Fendi, Saint Laurent, Prada, Maison Margiela, John Galliano, Jaquemus, Hussein Chalayan, Viktor & Rolf… (và một hàng dài các thương hiệu nổi tiếng khác) đều tin tưởng vào bộ óc đột phá cùng tư duy sáng tạo mang tính cách mạng của Alexandre de Betak trong việc thiết kế ra những khung cảnh được sắp đặt một cách tỉ mỉ và hoàn hảo để trình diễn những bộ sưu tập mới nhất của họ. Hầu hết các sản phẩm của Betak đều có thể được coi như những công trình nghệ thuật. Chúng đòi hỏi sự hiểu biết đa dạng và đa chiều bao trùm lên nhiều lĩnh vực trong đó có kiến trúc, biên đạo, thiết kế, sắp đặt ánh sáng, sản xuất, logistic và cả branding.
TỪ MỘT CHIẾC MÁY ẢNH VÀ SỰ KIỆN KỈ NIỆM 200 NĂM CÁCH MẠNG PHÁP…
Khung cửa sổ đầu tiên nhìn ra thế giới của Betak chính là chiếc máy ảnh. Năm lên bảy, anh được người ông của mình tặng cho một chiếc máy ảnh Kodak Instamatic 126mm – loại cho ra khung hình vuông, hàng thập kỉ trước sự ra đời của Instagram. Từ đó Betak bắt đầu ghi lại các khung cảnh qua đôi mắt mình bằng những tấm ảnh. Trong quãng thời gian niên thiếu của mình, anh thích chụp ảnh và đã từng chụp cho các tờ tạp chí độc lập nhỏ bằng chiếc máy Rolleiflex. Mặc dù sau đó Betak cảm thấy mình không có tố chất kiên nhẫn của một photographer và không theo đuổi nhiếp ảnh, nhưng việc ngắm nhìn mọi thứ qua khung hình được căn tỉ mỉ đã giúp Betak có được nền tảng đầu tiên để đến với công việc sau này.
Sự kiện mang tính cột mốc thôi thúc Betak phải nghĩ về điều gì anh muốn làm nhất trong cuộc đời chính là sự kiện kỉ niệm 200 năm Cách mạng Pháp diễn ra vào năm 1989, được thiết kế và dàn dựng bởi Jean-Paule Goude. Đó là một màn diễu hành và trình diễn dàn nhạc kèn lệnh đẹp mắt với quy mô hoành tráng. Betak lúc đó đã bị ấn tượng mạnh mẽ bởi sự kiện này, tới mức cho đến tận bây giờ anh vẫn tin rằng trong lĩnh vực thiết kế sự kiện thì không một ai có thể sánh ngang với những gì mà Jean-Paul Goude, cùng với Tổng thống Mitterrand và Bộ trưởng Văn hoá Jack Lang, đã làm được vào ngày hôm ấy. Đối với anh, nó đã chứng minh cho một loại hình sáng tạo hoàn chỉnh đến mức hoàn hảo, và đã ảnh hưởng đến con đường của anh trong vô thức. Anh nhận ra sự kiện đó, trong khả năng truyền tải thông điệp cho phép của nó, đã làm tốt đến mức vượt ra ngoài không gian ba chiều.
Điều này nhen nhóm lên một đam mê, một nguồn cảm hứng và sự khát khao mới trong Betak: khát khao thiết kế nên những sự kiện đáng kinh ngạc. Có lẽ vì thế mà làng thời trang đã mất đi một nhiếp ảnh gia đầy tiềm năng, nhưng rõ ràng là nó phù hợp với tính cách và bộ óc của Betak hơn. Không giống như nhiếp ảnh, đối với các sự kiện, bạn có thể mời một lượng lớn khán giả đến xem trực tiếp (trong điều kiện cho phép). Bạn có thể chơi với nhiều layer lồng ghép vào nhau: hiểu biết của bạn về khán giả, hiểu biết của bạn về hiểu biết của khán giả, với âm nhạc, ánh sáng, tạo hình, vũ đạo, các hiệu ứng đặc biệt, và thậm chí là cả nhiệt độ.
…ĐẾN SỰ BẮT ĐẦU CỦA CUỘC CÁCH MẠNG FASHION SHOW
Betak đã bước vào ngành thời trang như một tờ giấy trắng và không bao giờ làm theo những gì người khác làm. Anh sản xuất show thời trang đầu tiên trong sự nghiệp của mình ở tuổi 19, cho nhà thiết kế Sybilla Sorondo. Năm 1990, Betak thành lập agency của mình – Bureau Betak – tại Paris. Nhưng sự nghiệp của anh chỉ thực sự cất cánh kể từ khi chuyển đến New York vào năm 1993 và kết nối với một đội quân designer mới nổi hùng hậu, trong đó có John Barlett, Marc Jacobs và Andre Walker. Khi đó, những tên tuổi lớn đã được thành lập, nhưng họ vẫn đang loay hoay xoay sở với những runway lặp lại một cách cổ hủ và nhàm chán. Betak nhanh chóng nhận ra cơ hội để thể hiện thế giới thời trang ra với công chúng một cách khác biệt. Cuộc cách mạng fashion show của anh chính thức bắt đầu.
Một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất của Betak trong quãng thời gian đó là khi anh làm việc với John Barlett, một người mà theo mô tả của anh là “thông minh, táo bạo, tư duy cởi mở, rất có văn hoá và đi trước thời đại”. Betak đã làm show diễn đầu tay cho John, và John đã cho anh một không gian tự do rất lớn để có thể thoả sức sáng tạo. Vào thập niên 90, xu hướng “sạch” và chủ nghĩa tối giản chuẩn xác như Calvin Klein, John Pawson hoặc sự hào nhoáng của Tom Ford ở Gucci đang là mốt. Betak và John Barlett đi vào hướng đối lập. “Tôi đề xuất ra những thứ đối lập lại những gì mà mọi người thường quen nhìn thấy.” – Betak chia sẻ. Họ đi tìm kiếm và thu thập người mẫu từ đường phố, hộp đêm, quán bar dành cho dân đồng tính. Họ chọn những anh chàng lực lưỡng, hơi già và “xôi thịt”. Họ tạo ra những người đàn ông cởi trần và căn phòng được phủ bởi lông giả. Họ chơi với trào lưu khiêu dâm đồng tính của thập niên 70. Nó đi quá xa và quá sớm. Nhưng ba thập kỉ sau, sự đa dạng trong tệp khách hàng của Betak vẫn tiếp tục chứng minh cho sức hấp dẫn từ trí tưởng tượng điên rồ của anh, từ những pha dàn dựng mang tính ý niệm vô cùng nghiêm ngặt cho những tay lập dị trong ngành thời trang như Hussein Chalayan, Viktor & Rolf , cho đến những show diễn thiên về tính thương mại phục vụ thị hiếu chung như show kỉ niệm thường niên mà anh từng làm cho Victoria’s Secret.
Betak nổi tiếng với việc tạo ra các set design gây sửng sốt và mang đậm tính nghệ thuật cho những thương hiệu “không được phép phạm phải bất cứ sai lầm nào dù là nhỏ nhất”. Ví dụ như ở show diễn Thu Đông 2009 của John Galliano, anh đã tạo ra các quang phổ (dải ánh sáng) uốn cong như những đợt sóng cuộn từ những bông tuyết giả lấp lánh để người mẫu đi xuyên qua đó (đây có thể được coi là một “công trình” kì ảo đáng kinh ngạc). Hoặc với Dior, nhà mốt lừng danh gắn bó với Betak nhất, anh thường tạo ra những show diễn đẹp nín thở, trong đó chắc chắn phải kể đến show diễn năm 2015 tại Tokyo với một sân khấu làm bằng bê tông được nâng lên cao kết hợp với một cấu trúc bằng thép được chia thành các ô treo lơ lửng phía trên, xen lẫn với các chùm tia sáng và bông tuyết nhân tạo; hay show Xuân Hè 2016 với một cấu trúc đặc biệt mang hình dáng ngọn núi được bao phủ bởi rêu tươi và 300,000 đoá hoa phi yến xanh trên nền khoảng sân Cour Carrée tại Louvre, và show Haute Couture Xuân Hè 2018 với sự tái hiện thế giới siêu thực theo phong cách của Dali. Gần đây thì công chúng hay trầm trồ với series runway show hoà vào thiên nhiên của thương hiệu Jacquemus, đó là những show diễn lãng mạn và quyến rũ với cánh đồng lavender mênh mông hay đường runway dài 600m giữa cánh đồng lúa mì mang vẻ đẹp thơ mộng đặc trưng của vùng ngoại ô Paris. Và còn vô vàn các show diễn độc nhất vô nhị khác mà tôi không có đủ không gian để điểm lại hết trong khuôn khổ của bài viết này, cũng như không còn đủ từ ngữ đển diễn tả mức độ điên rồ hoặc phi thường của chúng – vì chúng mang lại những cảm xúc đôi khi không thể nói thành lời. Nhưng với tư cách cá nhân thì tôi chỉ muốn đặc biệt ưu ái nhắc đến thêm một show diễn mà tôi rất thích nữa thôi – show Thu Đông 2020 của Saint Laurent, với thiết kế tối giản nhưng vô cùng ấn tượng và hiệu quả: vẫn là “trò chơi ánh sáng” của tay phù thuỷ Betak, với các vùng sáng hình tròn bị bóp méo trên một runway được tạo thành từ bức tường trắng nối liền với sàn thành đường cong. Khi người mẫu đi qua trung tâm vùng sáng và ánh đèn spotlight khiến bóng của họ in dài xuống, nó làm tôi liên tưởng đến những chiếc đồng hồ mềm oặt trong bức “The Persistence of Memory” của Salvador Dalí.
Dưới bàn tay của Betak, các sàn diễn thời trang luôn đem tới những trải nghiệm cảm xúc và thị giác đặc biệt, chúng luôn chuyên chở thông điệp, tư tưởng của thương hiệu nhiều hơn là việc chỉ trưng ra một bộ sưu tập. Điều đã khiến những show diễn với một nhóm người mẫu đi lại và catwalk thẳng băng một đường trở thành câu chuyện của quá khứ. Bằng cách đó, Betak đã định nghĩa lại concept của một show thời trang và làm nó theo một cách ấn tượng, hoành tráng, sống động và độc nhất, đến mức tôi luôn phải tự hỏi có phải khả năng sáng tạo của bộ óc này là vô biên?
CUỘC CÁCH MẠNG FASHION SHOW LẦN THỨ HAI: VƯỢT QUA THÁCH THỨC CỦA THỜI ĐẠI
Tôi gọi quá trình mà Betak vượt qua những thách thức của thời đại mới, một thời đại mà ở đó công nghệ và mạng xã hội chi phối quá mạnh mẽ, là “Cuộc cách mạng fashion show lần thứ hai.”
Theo một cách nào đó, các show thời trang và các tuần lễ thời trang là sự phản chiếu lại thời đại của chúng ta, của một thế giới thương mại xa xỉ mà ngày nay đã tiếp cận được nhiều người hơn rất nhiều so với trong quá khứ, nhờ có công cuộc toàn cầu hoá. Điều này khiến cho thị trường rộng hơn, và thực tế là ngành công nghiệp thời trang giờ đây đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ. Cách đây khoảng 30 năm, thương hiệu lớn nhất cũng chỉ tạo ra được doanh thu vài triệu đô la nhưng ngày nay họ kiếm được hàng tỷ đô. Kết quả tất yếu là những sự kiện trực tiếp và sự tham dự của truyền thông ở các sự kiện cũng tăng lên. Quy mô của các show diễn ngày càng phình to hơn. Như thời mà Raf Simons còn ở Dior, show diễn mà Betak hợp tác với Raf Simons có thể có danh sách khách mời dài đến hàng ngàn người. Điều đó làm gia tăng áp lực lên các thương hiệu, các nhà thiết kế và lên cả Betak, vì một khi sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn thì họ cũng bước chân vào một cuộc chạy đua để thể hiện tốt hơn và hoành tráng hơn. Họ cần thêm không gian cho sự kiện, cần thêm không gian cho truyền thông, cần thêm cả không gian cho social media. Nhưng, như Betak đã nói, bạn không thể mua không gian social media như cách bạn mua không gian truyền thông thông thường. Bạn phải xài cách khác để “dụ” nó. Đó là thách thức thứ nhất.
Ngày nay, các sự kiện trực tiếp thường được phát sóng và nhân rộng quy mô qua các màn hình, đặc biệt là màn hình điện thoại. Công nghệ và social media đã diễn dịch các sự kiện trực tiếp thành rất nhiều các trải nghiệm thú vị trên màn hình. “Người ta có tivi, rồi có truyền hình trực tiếp, rồi có live multicast, rồi người ta có Instagram và Snapchat – có nghĩa là bạn không xem những gì bị kiểm soát bởi chỉ một chiếc camera, mà bạn nhìn thấy những gì mà tất cả những người khác có mặt trực tiếp tại đó thấy. Chúng ta bắt đầu sử dụng công nghệ 3D, quay trực tiếp bằng nhiều camera khác nhau với khả năng zoom cận và nhiều hơn thế nữa. Và chúng gia tăng cảm giác chân thực. Cuối cùng, bạn sẽ trải nghiệm những gì đang diễn ra trong căn phòng còn tốt hơn cả những người đang thực sự ở trong căn phòng đó.” – Betak chia sẻ.
Những kênh đa phương tiện khổng lồ này là một cuộc cách mạng. Betak bắt đầu tập trung vào những khán giả đang truyền tải ngay tại chỗ các thông điệp của thương hiệu tới thế giới thông qua social media. Công nghệ đã dẫn đến việc khán giả trải nghiệm mọi thứ trong điều kiện khá tệ: trên những màn hình điện thoại nhỏ xíu. Và Betak đã phải thích nghi với việc đó bằng cách tạo ra những khung hình có khả năng gây ấn tượng trong một không gian chỉ có 3 inches cho phép các cảnh quay cận, và toàn bộ khán giả có mặt phải quay chụp được thành công từ các góc lợi nhất của họ.
Thách thức thứ hai là vấn đề môi trường đang dấy lên mạnh mẽ những năm gần đây, mà ngành thời trang thì hẳn ai cũng biết đang về nhì trong danh sách những ngành công nghiệp gây ô nhiễm nhất hành tinh – một ví trí không lấy gì làm tự hào. Không chỉ có quy trình sản xuất, các tuần lễ thời trang diễn ra đều đặn hàng năm cũng góp phần không nhỏ vào việc xả thải ra môi trường. Chưa kể đến đại dịch Covid đang khiến mọi thứ đảo lộn từ đầu năm 2020 đến nay.
Trước tình thế mới, công ty của Betak đã công bố một bản thông cáo với “Mười cam kết”, trong đó thể hiện những nội dung liên quan đến giảm thiểu chất thải carbon, tích hợp yếu tố bền vững vào trong các thiết kế và quy trình sản xuất của tất cả các sự kiện thời trang; tái chế, nâng cấp và tái sử dụng các nguyên vật liệu; phân loại và tái chế rác thải; giảm thiểu tối đa việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch; giảm thiểu các chuyến bay không thực sự cần thiết; ủng hộ quỹ “1% vì hành tinh”… Và họ đang thực hiện đúng những gì đã cam kết. Thay vì bay đến nhiều nơi để tham gia nhiều cuộc họp với khách hàng, Betak tăng cường các cuộc họp online. Sản phẩm set design bằng nhựa plastic cho show Thu Đông 2020 của Kenzo – những đường ống nhựa trong khổmg lồ đặt phía ngoài Institut National de Jeunes Sourds de Paris – đã được tính toán trước để tái sử dụng nhiều lần trong các show diễn và sự kiện sau đó của thương hiệu này. Còn ở show Xuân Hè 2011 của Jacquemus, Betak đã tạo ra một không gian vừa chan hoà với thiên nhiên mà lại vừa đảm bảo được sự giãn cách hợp lý cho người xem.
NGHỆ THUẬT HAY THƯƠNG MẠI?
Câu trả lời là cả hai. Betak vừa làm nghệ thuật vừa làm thương mại cùng lúc trong công việc của mình. Về cơ bản, Betak là người có tư duy cấp tiến và có khả năng thích ứng cao.
Betak là người bị thu hút mạnh mẽ và có nhu cầu đặc biệt lớn về chủ nghĩa duy mỹ. Trong phạm vi có thể kiểm soát, anh luôn sắp xếp sao cho bản thân được bao quanh bởi những thứ khiến đôi mắt cảm thấy thoả mãn. Và nhờ có tư duy cởi mở, Betak có khả năng hợp tác nhịp nhàng với nhiều bộ óc sáng tạo mang cá tính và quan điểm rất khác nhau, bao gồm cả những người có lối tư duy rất đặc biệt như Raf Simons hay Hussein Chalayan. “Raf có tầm nhìn mang tính cá nhân và trừu tượng đến mức đôi khi rất khó để diễn dịch được chúng.” – Betak nói. Tương tự, với Hussein – một người rất thiên về ý niệm, những cuộc thảo luận giữa Betak và nhà thiết kế này luôn trở nên vô cùng trừu tượng, và Betak phải phát minh ra một loại ngôn ngữ mới nhằm phục vụ cho việc chuyển tải tư tưởng của Hussein.
Betak tôn sùng sự sáng tạo và tiến hoá: “Tôi phục vụ cho sự sáng tạo. Tôi làm việc cho sự tiến hoá và các yêu cầu sáng tạo với tư duy mở.” Betak không đồng ý với những ý kiến tranh cãi rằng thời trang là thương mại bởi vậy nó không thể lên tiếng, vì đối với anh thì thế giới nghệ thuật đương đại có khi còn mang tính thương mại nhiều hơn cả thế giới thời trang ngày nay. Kì thực, các sản phẩm của Betak hầu như đều có thể được coi là các tác phẩm nghệ thuật, mà nó thậm chí còn đòi hỏi sự sáng tạo, sự sắp đặt tỉ mỉ và năng lực kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật vào trong cùng một chỉnh thể hơn nhiều so với các tác phẩm nghệ thuật sắp đặt thông thường. Thông qua công việc của mình, Betak mong muốn thời trang có thể dùng tiếng nói của nó để làm được nhiều điều hơn, cũng giống như việc anh quan niệm rằng “Nếu bạn là một trong những người nổi tiếng nhất hình tinh thì điều đó đi kèm với một trách nhiệm, và bạn nên dùng sức ảnh hưởng và sự thành công của bạn để giúp những người khác mở mang đầu óc của họ. Vấn đề không phải chuyện đúng hay sai. Nó đơn giản là chuyện suy nghĩ, và suy nghĩ xa hơn.”
Mặc dù là người sáng tạo nghệ thuật nhưng Betak cũng đồng thời là một người có đầu óc nhạy bén với thị trường. Betak thường thương thảo các phi vụ hợp tác quy mô lớn và chúng rất thành công. Betak không cho rằng mình đang giáo dục gu thẩm mỹ cho khách hàng, nhưng anh hiểu thế mạnh của mình nằm ở đâu và tại sao khách hàng cần mình. Các thương hiệu đã học tập, nghiên cứu và sử dụng marketing hàng thập kỉ nay để ngày một thành công hơn, nhưng yếu tố cốt lõi khiến họ trở thành một thương hiệu cao cấp không đến từ việc học về sale hay marketing. “Nó đến từ sự tự do sáng tạo mà tôi nghĩ là tôi có thể mang lại” – Betak chia sẻ, “Tôi vô cùng tôn trọng tất cả các khách hàng của mình. Tôi cố gắng chắc chắn rằng tôi có thể giữ chân họ, vì tôi chẳng thể sống thiếu ai trong số đó. Tôi nghĩ đó là nguyên tắc tồn tại khi sở hữu một công ty. Nhưng tôi cũng tin tưởng mạnh mẽ rằng sự tôn trọng mà tôi dành cho họ nằm ở chỗ tôi thực sự khiến họ ấn tượng với những gì tôi tin tưởng.”
Betak từng tranh luận với người đứng đầu của một thương hiệu của Mỹ. Người đó cho rằng việc sử dụng một tham chiếu đại trà và low-class cho một thương hiệu xa xỉ là một lộ trình sai – đó là nguyên tắc bất di bất dịch. Nhưng Betak không quan tâm đến các nguyên tắc, và anh phản đối ý kiến đó. Betak nghĩ rằng muốn thay đổi được tầm nhìn của mọi người thì phải bắt đầu với một thứ gì đó mà họ biết, rồi mới “twitst” nó. Những tham chiếu phổ biến và đại trà cho số đông thường là những thứ dễ hiểu nhất, và cho dù bạn có coi thường chúng thì chúng cũng vẫn là xuất phát điểm tốt nhất để bắt đầu, rồi từ đó bạn có thể nâng nó lên tầm cao hơn. “Tôi chẳng phát minh ra cái gì hết. Tôi chỉ làm nó với cách thức, phương tiện của bạn, văn hoá của bạn, và cả của tôi, rồi biến nó thành một công trình điên rồ nhưng đầy tính nghệ thuật, xứng đáng được tôn trọng và có thể viral trên Instagram, và rồi người ta sẽ hiểu nó, sẽ yêu nó.”
Lăn xả với các tuần lễ thời trang hào nhoáng suốt ba thập kỉ, giờ đây Betak cũng bắt đầu mơ về việc tạo ra những thứ tồn tại lâu dài song song với công việc hiện tại, thay vì chỉ gắn bó với những vẻ đẹp “chóng tàn” của các show diễn. Đó có thể là xe hơi, hoặc một thứ gì đó thật khúc chiết, phức tạp và mang tính công nghệ như anh từng chia sẻ. Dù sao điều đó chắc chắn sẽ rất đáng để mong chờ.
P.S: Bài viết có tham khảo, tổng hợp và lược dịch từ nhiều nguồn, nhiều bài báo và bài phỏng vấn khác nhau để viết lại theo mạch trình tự mới kèm theo một số nhận định mang tính cá nhân. Nội dung này được tạo ra bởi Daoonclouds, bất cứ bên nào nếu muốn sử dụng lại vui lòng liên hệ và ghi rõ nguồn.
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #BETAK #bureaubetak #fashionshow #fashionshowrevolution #creative
「newgen_artists_curatedbydaoonclouds」的推薦目錄:
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 Daoonclouds Facebook 的精選貼文
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 Daoonclouds Facebook 的精選貼文
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 Daoonclouds Facebook 的精選貼文
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 2022Kenzo sale-保養品化妝品試用心得,精選在PTT/MOBILE01討論 ... 的評價
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 2022Kenzo sale-保養品化妝品試用心得,精選在PTT/MOBILE01討論 ... 的評價
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 tokyo live camera tokyo在食尚玩家、ubereat、ptt網友讚爆,網友必 ... 的評價
- 關於newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 Daoonclouds - BANKSY – KẺ ẤN DANH VĨ ĐẠI VÀ MÀN ĐẤU ... 的評價
newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 Daoonclouds Facebook 的精選貼文
BANKSY – KẺ ẨN DANH VĨ ĐẠI VÀ MÀN ĐẤU GIÁ CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG LỊCH SỬ
Nếu hỏi tôi về một cái tên xứng đáng trở thành đại diện tiêu biểu nhất cho nghệ thuật đường phố đương đại, tôi sẽ không ngần ngại chọn Banksy.
Banksy là một nghệ sĩ graffiti bí ẩn. Không ai biết rõ tên thật cũng như hành tung của con người này, tất cả những thông tin cá nhân của Banksy mà người ta có được chỉ là anh sinh ra và lớn lên ở Bristol, Anh (và một nguồn tin từ nhà thiết kế đồ hoạ Tristan Manco rằng Banksy sinh năm 1974). Banksy luôn xuất hiện bí mật, chớp nhoáng trên đường phố để thực hiện các tác phẩm của mình rồi biến mất không để lại dấu vết. Nghệ thuật của Banksy mang những thông điệp mỉa mai châm biếm sâu cay, nó phản ánh khiếu hài hước và tư duy trào phúng rất đặc trưng của tác giả xoay quanh những vấn đề chính trị - xã hội như những thế lực đàn áp ở Palestine, thói đạo đức giả của một số chính trị gia và tham nhũng ở London.
Thay vì vẽ bằng bình sơn xịt như những nghệ sĩ graffiti khác, Banksy sử dụng stencil (một kiểu khuôn kim loại) và kĩ thuật tô khuôn để tạo ra các hình ảnh. Chúng được thiết kế đơn giản nhưng lại chuyên chở những thông điệp chính trị vô cùng mạnh mẽ. (Banksy tự nhận rằng anh sử dụng stencil là do không giỏi vẽ bằng bình sơn xịt, nhưng một lý do quan trọng khác là nó rất tiết kiệm thời gian. Banksy luôn phải hoàn thành tác phẩm trong thời gian ngắn nhất có thể để tránh nguy cơ bị lộ mặt, và tránh cả sự truy đuổi của cảnh sát do thời gian đầu các bức vẽ của anh vẫn bị coi là hành động phá hoại tài sản công cộng).
Banksy bắt đầu hoạt động từ những năm 90 ở quê hương, sau đó tác phẩm của anh bắt đầu tràn sang các bức tường ở London, New Orleans rồi đến khu bờ Tây của lãnh thổ Palestine. Mặc dù ngày càng trở nên nổi tiếng nhưng Banksy vẫn giữ bí mật mọi thông tin về bản thân và quyết làm một kẻ ẩn danh đến cùng. Những bài phỏng vấn hiếm hoi của anh đều được thực hiện qua email, hoặc các toà soạn sẽ nhận được một cuốn băng ghi âm đã được làm méo giọng. Năm 2010, khi được tạp chí Time bình chọn là một trong 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới cùng với Barack Obama và Steve Jobs, Banksy đã cung cấp hồ sơ cá nhân bằng một tấm ảnh với mớ giấy lộn trên đầu. Đó cũng là năm mà Banksy sản xuất một bộ phim tư liệu mang tên “Exit through the gift shop” nói về quá trình làm ra những tác phẩm của anh, Shepard Fairey, Invader cùng với những nghệ sĩ graffiti nổi tiếng khác trên thế giới. Bộ phim phản ánh cái nhìn chân thật nhất về nghệ thuật đường phố ngày nay và sau đó đã được đề cử giải Oscar cho Phim tư liệu xuất sắc nhất vào năm 2011.
“BÓNG MA ĐƯỜNG PHỐ” TRỖI DẬY TỪ NHỮNG CON CHUỘT
Bức tranh tường khổ lớn đầu tiên được biết đến của Banksy là The Mild Mild West (Phương Tây êm dịu), được vẽ vào năm 1997, che phủ lên biển quảng cáo cũ của một văn phòng cố vấn pháp luật trong quá khứ nằm trên đại lộ Stokes Croft, Bristol. Bức tranh mô tả một con gấu bông đang ném một quả bom xăng vào ba cảnh sát chống bạo động.
Nhưng Banksy bắt đầu nổi danh là một bóng ma bí ẩn của làng nghệ thuật khi ở London người ta bắt đầu kháo nhau về việc nhiều ngóc ngách trong thành phố xuất hiện các bức vẽ graffiti có cùng chung dấu hiệu là một con chuột cống, mang những thông điệp phê phán xã hội rất thông minh. Người ta cho rằng biểu tượng chú chuột của Banksy có thể được diễn giải là một biểu tượng cho bản chất tái sinh liên tục của nghệ thuật đường phố: Mặc cho chính quyền địa phương có cố gắng nỗ lực nhiều đến đâu để xoá sổ những tác phẩm graffiti thì một bức tường vửa được phủ sơn mới cóong cũng chẳng tồn tại được bao lâu trước khi xuất hiện những bức vẽ mới. Chúng sẽ liên tục xuất hiện, xoá bức này thì chẳng mấy chốc sẽ lại xuất hiện bức khác. Đó cũng chính là điểm giống nhau giữa nghệ thuật đường phố và loài chuột - loài động vật vốn nổi tiếng với sự sinh sôi chóng mặt vượt ngoài tầm kiểm soát của con người.
Banksy luôn lựa chọn các bức tường cũ kĩ, thậm chí gần như đổ nát, hoặc các công trình công cộng, đường phố, tàu điện ngầm, các cây cầu… làm nơi thể hiện các tác phẩm của mình, thường là các bức hoạ và đôi khi là các tác phẩm sắp đặt. Một số bức tranh của Banksy cũng đi kèm với những khẩu hiệu mà thông điệp thường là chống chiến tranh, chống tư bản chủ nghĩa hoặc chống nhà cầm quyền, còn đối tượng trong tranh thường bao gồm chuột, khỉ, cảnh sát, binh lính, trẻ em và người già. Anh tuyên bố rằng cuộc sống ở một thành phố mà graffiti được coi là hợp pháp thì sẽ giống như “một bữa tiệc mà ai cũng được mời”, và đó là lý do khiến anh kiên trì với street art.
Bên cạnh những tác phẩm graffiti thực hiện trên đường phố, tất cả những hoạt động nghệ thuật khác của Banksy cũng đều được thực hiện đầy bí ẩn, thông qua một đơn vị đại diện giúp đảm bảo sự bí mật cho danh tính của nghệ sĩ. Nguyên nhân của sự bí ẩn này đã từng được Banksy chia sẻ là để tôn vinh “nghệ thuật tự thân”, một thứ nghệ thuật thực sự được trân trọng vì tính chất thuần túy, không bị ảnh hưởng bởi danh vọng, tiền tài hay bất kỳ điều gì khác. Cuối cùng, Banksy đã tạo ra một nghịch lý cho sự nổi tiếng: khi bạn càng tìm cách để ẩn danh, bạn sẽ càng nổi danh.
THIÊN TÀI LẬP DỊ THÍCH TRÊU NGƯƠI CẢ THẾ GIAN
Banksy là người có bộ óc thông minh và tinh quái, thích mỉa mai châm biếm xã hội và phê phán các giá trị ảo, thích châm chọc các “ông lớn” với tham vọng bành trướng toàn cầu hoá (rất nhiều thương hiệu lớn trong đó có Nike cũng đã từng là đối tượng của Banksy), thích trêu ngươi giới cầm quyền, thích chơi khăm cả những người cố gắng sở hữu các tác phẩm của anh. Tài tử Brad Pitt đã từng nói: “Banksy dắt mũi thế giới xung quanh, chứ không bị nó dắt mũi.”
Những bức tranh trêu ngươi các nhân vật quyền lực của Banksy khá phổ biến, trong đó phải kể đến một tác phẩm được sáng tác năm 2004 mà sau đó được gọi là Difaced Tenners – một cách chơi chữ với từ “defaced”, trong đó thay thế khuôn mặt Nữ hoàng Elizabeth II bằng hình ảnh Công nương Diana trên tờ ngân phiếu 10 bảng Anh.
Một hành động táo tợn khác của anh là đột nhập vào các bảo tàng lớn, nhưng không phải để trộm tranh, mà là để mang thêm tranh của chính mình vào đặt cạnh những tên tuổi lớn như một hàm ý châm biếm sâu cay. Metropolitan Museum of Art (New York), Louvre (Paris) và Viện bảo tàng Anh quốc (London) đều từng là “nạn nhân” của Banksy với lần lượt một bức tranh vẽ quý bà đeo mặt nạ chống độc, một bức Mona Lisa có biểu tượng cảm xúc Smiley, một mảnh đá vẽ cảnh săn bắn thời tiền sử nhưng bên cạnh con bò bị đâm bằng cây lao là một người đẩy xe hàng của siêu thị. Riêng mảnh đá treo ở Viện bảo tàng Anh thì 8 ngày sau mới bị phát hiện và gỡ xuống, nhưng sau này ban giám đốc đã quyết định đưa lại lên tường như một tác phẩm thuộc bảo tàng.
Banksy luôn nổi tiếng với những trò lập dị mà đồng thời cũng là những ý tưởng thiên tài. Ví dụ như năm 2003, trong triển lãm “Turf War”, anh đã vẽ lên mình của những chú lợn còn sống. Năm 2005, tại triển lãm “Crude Oils”, một triển lãm trưng bày các bản sao được “remixed” lại từ các tác phẩm trứ danh của Claude Monet, Vincent van Gogh, Andy Warhol và một số hoạ sĩ khác, anh đã thả cho 200 con chuột sống lang thang trong khu trưng bày, chui rúc trong các tác phẩm sắp đặt. Gần đây, vào năm 2017, anh thực hiện một dự án mang tên The Walled Off Hotel tại Bethlehem và tự quảng cáo rằng đó là “Khách sạn có view xấu nhất thế giới”. Sở dĩ nó được chủ nhân quảng cáo như thế là bởi nó được xây dựng ngay cạnh bức tường ngăn cách giữa Israel và Palestine – khu vực luôn đối mặt với tình trạng hỗn loạn kéo dài gây ra bạo lực và thương vong. Khách sạn này bao gồm những căn phòng được trang trí bởi các tác phẩm nguyên bản của chính Banksy và một khu vực gallery trưng bày tác phẩm của các nghệ sĩ người Palestine.
MÀN ĐẤU GIÁ CÓ MỘT KHÔNG HAI TRONG LỊCH SỬ
Màn đấu giá bức tranh Girl with Balloon của Banksy được coi là trò chơi khăm đỉnh cao nhất trong suốt quá trình hoạt động của nghệ sĩ này, đồng thời cũng là sự kiện có một không hai trong lịch sử của các cuộc đấu giá tác phẩm nghệ thuật.
Năm 2018, trong buổi đấu giá nghệ thuật đương đại do Sotheby’s London tổ chức, tác phẩm nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng chính là bức Girl with Balloon (một version trên vải canvas mà chủ nhân của nó trước đây đã mua được từ đại diện của Banksy. Bức graffiti “Girl With Balloon” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Banksy. Ban đầu, tác phẩm nguyên gốc xuất hiện trên bức tường ở phố Great Eastern Street, London, khắc họa một bé gái đang giơ tay về phía một trái bóng bay hình trái tim). Ngay sau khi tiếng búa cuối cùng được gõ xuống để khớp lệnh bán với mức giá 1,04 triệu bảng Anh – tương đương khoảng gần 1,4 triệu đô la Mỹ, bức tranh đã bị tuột xuống khỏi khung và bị cắt vụn mất một nửa trong sự bàng hoàng kinh ngạc của toàn bộ những người có mặt. Nhà đấu giá phải lập tức gỡ bức tranh xuống và di dời khỏi phòng đấu giá để cố gắng ngăn việc nó bị phá huỷ hoàn toàn. Giám đốc của Sotheby’s cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử đấu giá xảy ra chuyện một tác phẩm nghệ thuật tự huỷ ngay tại chỗ sau khi khớp lệnh bán ra.
Ngay sau sự kiện đó, Banksy đã cho đăng tải một đoạn video lên mạng và khẳng định rằng chính anh là người đứng đằng sau việc bức tranh tự động huỷ tại phiên đấu giá. Video clip này đã quay lại quá trình Banksy (giấu mặt) lắp đặt một thiết bị tự huỷ dạng máy cắt vào trong khung tranh từ nhiều năm trước để đề phòng một ngày bức tranh đó sẽ bị mang lên sàn đấu giá. Banksy cũng cho biết lẽ ra bức tranh sẽ bị cắt vụn hoàn toàn (lúc thử thì thiết bị tự huỷ này hoạt động bình thường), nhưng có lẽ do nó đã gặp phải một trục trặc nào đó nên mới ngừng lại giữa chừng khi bức tranh mới tuột xuống một nửa. Nhiều người nghi ngờ rằng Banksy đã cải trang và có mặt tại phòng đấu giá và sự dụng thiết bị điều khiển từ xa để kích hoạt máy cắt trong khung tranh, nhưng Banksy đã phủ nhận sự có mặt của mình tại đó.
Nhà đấu giá Sotheby’s đã chia sẻ với báo giới rằng họ đã nhận được “một trò đùa khôi hài từ Banksy”. Sau khi bị chơi khăm, Sotheby’s đã đặt tên mới cho bức tranh là "Love is in the Bin" và tuyên bố “Đây là tác phẩm nghệ thuật đầu tiên trong lịch sử được tạo ra ngay trong phiên đấu giá”. Còn người mua nó, cũng là một nhân vật giấu tên, thì cho biết: "Khi tiếng búa chốt giá nện xuống cũng là lúc bức tranh bị xé ra nhiều mảnh, tôi sốc lắm nhưng nhanh chóng nhận ra, mình sẽ sở hữu một tác phẩm nghệ thuật mang tính lịch sử". Pest Control – văn phòng được uỷ quyền đại diện cho Banksy, cũng chính thức đưa ra một thông cáo về việc tác phẩm “Girl with Balloon sau khi bị phá huỷ dở dang đã trở thành một tác phẩm mới mang một cái tên mới là “Love in the Bin”. Banksy sau đó cũng gửi đi một thông điệp rằng “Sự thôi thúc phá huỷ cũng là sự thôi thúc sáng tạo.” Điều oái oăm là chính sự kiện tự huỷ của bức tranh đã khiến nó sau đó được định giá cao lên gấp đôi.
NGHỆ THUẬT LÀ DÀNH CHO TẤT CẢ MỌI NGƯỜI
Trong quan điểm của Banksy, nghệ thuật nên thuộc về công chúng, thuộc về đời sống hơn là chỉ thuộc về các bảo tàng nghiêm trang, các không gian triển lãm sang trọng hay nằm trong ngôi nhà của các nhà sưu tập giàu có và tầng lớp quý tộc. Người nghệ sĩ phải truyền tải được tác phẩm của mình đến với cả xã hội, để mọi người thuộc các tầng lớp khác nhau đều có thể thưởng thức. Anh muốn nghệ thuật phải phục vục cho đại chúng và hoà nhập vào đời sống, thậm chí là biến mất trong đời sống.
Từ chối lộ mặt, xa lánh mọi hào quang, không cần tài trợ, sáng tác tại bất kì không gian công cộng phù hợp nào, Banksy đang chứng minh cho cả thế giới thấy sự kiên định với phương châm “tất cả mọi người đều có quyền thưởng thức nghệ thuật”. Banksy không lựa chọn trưng bày tranh của mình tại các gallery sang trọng hay uy tín, anh chọn những nơi triển lãm lạ lùng nhưng lại gần gũi nhất với người dân như đường hầm bỏ hoang hoặc nông trại. Anh nhấn mạnh quan điểm của mình: “Khi bạn đi đến một buổi triển lãm nghệ thuật, chẳng qua là bạn đang nhìn vào chiếc tủ chứa những chiếc cúp của các triệu phú mà thôi”.
Có một điều khôi hài là trước đây graffiti thường bị coi là một hành vi “xâm hại tài sản công cộng”, và nếu như ngày xưa chính quyền sở tại ở những nơi xuất hiện tác phẩm của Banksy phải hậm hực đi sơn phủ lại những bức tường, thì ngày nay, họ thậm chí phải cắt cử người bảo vệ các tác phẩm của kẻ lập dị này khỏi nguy cơ bị phá hoại bởi những đối thủ, hoặc thậm chí là bị đánh cắp. Ngày nay, những địa điểm có xuất hiện các tác phẩm của Banksy đều trở thành các điểm thu hút khách du lịch quốc tế.
Dù Banksy đã cố tình chọn các bức tường và các công trình công cộng làm nơi thể hiện tác phẩm để không ai có thể sở hữu chúng, nhưng cuối cùng người ta vẫn nghĩ ra đủ mọi cách và sẵn sàng cắt các mảng tường, đục khoét các khối bê tông ra để đem được những tác phẩm đó đến các sàn mua bán. Trên thực tế, hầu hết các tác phẩm này khi đem ra đấu giá trên thị trường đều không được sự cho phép hay đồng thuận từ Banksy. Anh rất ghét việc các tác phẩm bị mang ra bán đấu giá, vì với anh thì nghệ thuật là vô giá, không phải thứ để mang ra trục lợi, và cũng không nên bị định giá.
Năm 2008, phiên bản biếm họa của bức vẽ của Damien Hirst do Banksy thực hiện đã được bán lại với giá 1.8 triệu đô la. Trước sự kiện này, Banksy bình luận: “Tôi thích cái cách chủ nghĩa tư bản tìm được một chỗ đứng cho cả kẻ thù của nó”.
Cũng không có gì là khó hiểu khi các tác phẩm của Banksy trở thành mục tiêu săn lùng hàng đầu của nhiều nhà sưu tầm nghệ thuật, vì phàm là thứ gì càng khó có được thì người ta lại càng muốn sở hữu và sẵn sàng trả những cái giá trên trời để sở hữu. Rất nhiều người nổi tiếng và giàu có không ngần ngại bỏ ra hàng trăm ngàn đô la cho các tác phẩm của Banksy. Bàn tay phù thuỷ của người nghệ sĩ này đã từng “hoá phép” cho không ít ngôi nhà tăng giá trị lên gấp nhiều lần chỉ sau một đêm lén lút vẽ lên tường nhà họ. Gần đây nhất, một ngôi nhà đang được rao bán với giá 345,000 bảng, sau khi tường nhà bất ngờ xuất hiện tác phẩm lấy cảm hứng từ đại dịch Covid-19, đã lập tức được chủ nhân của nó ngừng rao bán và gắn một tấm kính thuỷ tinh hữu cơ ra phía ngoài bức tường để bảo vệ bức tranh. Ngày 10/12/2020, Banksy đã đăng hình ảnh của bức tường đó lên tài khoản Instagram chính thức của mình để xác nhận bức tranh đó do chính anh thực hiện.
Không ai thể đoán trước tác phẩm tiếp theo của Banksy sẽ xuất hiện vào lúc nào và ở đâu, nhưng chắc chắn nó sẽ luôn luôn được công chúng chờ đợi và đón nhận.
P.S: Bài viết có tham khảo, tổng hợp và lược dịch từ nhiều nguồn, nhiều bài báo và tài liệu khác nhau để viết lại theo mạch trình tự mới kèm theo một số nhận định mang tính cá nhân. Nội dung này được tạo ra bởi Daoonclouds, bất cứ bên nào nếu muốn sử dụng lại vui lòng liên hệ và ghi rõ nguồn.
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #BANKSY #streetart #streetartist #graffiti
newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 Daoonclouds Facebook 的精選貼文
NHIẾP ẢNH GIA ZHONG LIN - TAY CHƠI MÀU SẮC CỦA LÀNG NHIẾP ẢNH THỜI TRANG
Zhong Lin (鍾靈) là một nữ nhiếp ảnh gia người Đài Loan và từng có khoảng thời gian lớn lên tại Malaysia. Không được đào tạo bởi trường lớp chính thống, tất cả những gì Zhong Lin đạt được là nhờ vào khả năng tự học và năng khiếu thiên bẩm. Cô bắt đầu sự nghiệp của mình từ những thể nghiệm với ảnh phim, từ sự ám ảnh đối với những tấm phim âm bản đen trắng. Các tác phẩm của Zhong Lin thu hút người xem ngay từ cái nhìn đầu tiên bởi những bảng màu hấp dẫn, ấn tượng và một phong cách khác thường, đôi khi mang lại cảm giác kì dị. Phong cách đặc biệt của Zhong Lin đã thu hút được sự chú ý của Vogue China và Harper’s Bazaar China. Kể từ đó sự nghiệp của Zhong Lin rẽ sang một trang mới, cô đã thổi một làn gió mới vào làng nhiếp ảnh thời trang và từng được mời chụp cho những tờ tạp chí danh tiếng khắp thế giới như Vogue Anh, Vanity Fair, Nylon China và W Korea. Những khi không có lịch chụp hình campaign hay fashion editorials, Zhong Lin có thói quen đi du lịch khắp nơi để khám phá phong tục tập quán, phong cách sống của con người ở các vùng đất khác nhau và ghi lại những khoảnh khắc nhỏ nhặt của đời sống thường nhật.
Zhong Lin không có website riêng như nhiều photographer nổi tiếng khác. Thay vào đó, cô hoạt động rất tích cực trên nền tảng Instagram và đó cũng là nền tảng duy nhất cô sử dụng để chia sẻ các sản phẩm hình ảnh do mình thực hiện.
CUỘC CHƠI VỚI MÀU SẮC
Khả năng “chơi” màu là một thế mạnh đặc biệt của Zhong Lin, nó là một yếu tố quan trọng giúp cô tạo được dấu ấn đặc biệt trong làng nhiếp ảnh thời trang. Người ta dễ dàng nhận thấy những gam màu mạnh và nổi bật như đỏ, cam hay xanh blue là motif thường xuyên xuất hiện trong những bức ảnh của Zhong Lin, chúng thường được đặt cạnh nhau trong cùng một khung hình. Zhong Lin cũng tự nhận xét bản thân là một người vô cùng nhạy cảm với màu sắc, đặc biệt là ba gam màu này. Trong số những tác phẩm trong thời gian gần đây thì tông xanh green cũng bắt đầu xuất hiện với tần suất khá nhiều, có thể đó là một thể nghiệm màu sắc mới mà cô đang hướng đến. Tuy nhiên nếu phải tìm ra một màu sắc yêu thích nhất của Zhong Lin thì đó chắc chắn là gam màu đỏ - gam màu đặc trưng của văn hoá Trung Hoa, nền văn hoá có ảnh hưởng nhiều nhất đến cô. Lin sẽ sử dụng màu đỏ áp đảo trong một khung hình khi muốn gây ấn tượng mạnh với người xem.
Khả năng chơi màu tinh tế nhưng đầy sức mạnh này có lẽ còn được bắt nguồn từ niềm đam mê bất tận dành cho điện ảnh mà cô từng chia sẻ (cha của Lin là một người yêu điện ảnh cuồng nhiệt, ông thường dẫn Lin đến rạp chiếu bóng từ khi cô còn nhỏ, quãng thời gian đó đã nuôi dưỡng gu thẩm mỹ và nghệ thuật của Lin). Cách mà Zhong Lin ghi lại từng khung hình đầy tính gợi cảm nhắc người ta nhớ về những tác phẩm bậc thầy của làng điện ảnh, như In the mood for love và Fallen Angels của Vương Gia Vệ, và cả Pulp Fiction của Quentin Tarantino.
Zhong Lin không thích lạm dụng Photoshop cho việc chỉnh sửa các chi tiết và che giấu các khuyết điểm để tạo nên sự hoàn hảo. Quan điểm của Lin là mỗi người có một quan niệm khác nhau về sự hoàn hảo trong địa hạt sáng tạo, cho nên cô sẽ không để bản thân mình chìm đắm trong việc làm thế nào để hoàn hảo. Nhưng cô thích thử nghiệm với màu sắc để tạo ra những hiệu ứng và kết quả khác nhau. Thử nghiệm màu sắc là công đoạn tốn nhiều thời gian của Lin nhất ở khâu hậu kì (thực ra cô thích quá trình brainstorming ý tưởng và quá trình chụp hình hơn).
Zhong Lin nói, đến tận bây giờ cô vẫn không rõ phong cách của mình chính xác là gì, cô chỉ biết rằng cô có niềm yêu thích đặc biệt với các sắc độ của màu sắc, và điều đó có lẽ chính là thứ khiến cô trở nên khác biệt so với vô vàn nhiếp ảnh gia khác.
CẢM GIÁC SIÊU THỰC TRONG ẢNH CỦA ZHONG LIN CHỊU ẢNH HƯỞNG TỪ ĐÂU?
Những tác phẩm thể hiện một góc nhìn khác biệt và một gu thẩm mỹ đầy tính khiêu khích của Zhong Lin gắn liền với những yếu tố của thiên nhiên và chủ nghĩa siêu thực – những bông hoa mọc ra từ gương mặt của người mẫu, những cơ thể chìm trong nước, những tạo hình cường điệu, những cảm xúc kì lạ. Đó là vùng đất của óc tưởng tượng và là nơi mà người ta khó có thể miêu tả hay gọi tên chính xác một điều gì. Chỉ biết rằng nó có một khả năng khơi gợi vô cùng đáng nể. Zhong Lin xây dựng nên một thế giới diễn tả tiềm thức, diễn tả những điều không tồn tại trong thế giới thực thông qua nhiếp ảnh.
Một điều khá bất ngờ là cảm giác siêu thực trong ảnh của Zhong Lin không chịu ảnh hưởng nhiều từ các tác phẩm hội hoạ. Sự hình thành của thế giới này có liên hệ khá chặt chẽ đến việc thuở nhỏ Zhong Lin đã đọc và xem rất nhiều manga và anime. Chúng đã góp phần quan trọng và chính yếu trong việc định hình phương thức tư duy trong sáng tạo nghệ thuật và cả gu thẩm mỹ của Zhong Lin. Đối với cô, manga và anime cũng là những loại hình nghệ thuật và điều cô thấy thích thú ở hai thể loại này là chúng không tuân theo bất kỳ logic nào hay bị giới hạn bởi bất cứ điều gì. Bất kì điều gì cũng có thể xảy ra trong manga và anime, chúng biến tất cả những điều kì diệu trở thành hiện thực.
Một yếu tố khác có ảnh hưởng mạnh đến phong cách của Zhong Lin đó là Kinh Kịch – bộ môn nghệ thuật truyền thống của Trung Quốc mà Lin rất yêu thích. Đôi khi các người mẫu sẽ được make up theo kiểu phủ phấn và tô màu rất đậm và họ sẽ pose theo hơi hướng kịch tính. Kinh Kịch là một thứ gì đó rất có sức mê hoặc và chú trọng đến từng tiểu tiết. Lin theo đuổi một cách tiếp cận tương tự như vậy trong nhiếp ảnh của cô: cô muốn mọi khía cạnh trong ảnh của mình phải được làm một cách tỉ mỉ và chỉn chu nhất.
Zhong Lin lớn lên tại Malaysia, nên đất nước này cũng có ảnh hưởng khá lớn đến các sáng tác của cô. Đó là một đất nước tồn tại sự giao thoa của rất nhiều nền văn hoá, và cô lớn lên dưới sự ảnh hưởng của rất nhiều nền văn hoá khác nhau. Cô có thể ăn đồ ăn Malay trong khi đang xem phim Hollywood, nghe nhạc Ấn Độ và nói chuyện với gia đình bằng tiếng Hoa. Những nền văn hoá giao thoa này đã nuôi dưỡng cô và đóng vai trò quan trọng trong việc mang lại những nguồn cảm hứng trong sự nghiệp nhiếp ảnh của Zhong Lin.
Tuy vậy khi mới bắt đầu sự nghiệp nhiếp ảnh, Zhong Lin cũng đã từng trải qua cảm giác “lạc lối” suốt một thời gian dài. Cô có hứng thú với quá nhiều thứ, trí tò mò thôi thúc cô thử nghiệm tất cả, và nghiệm thu chúng thông qua những chủ đề, phép ẩn dụ cũng như những yếu tố thể hiện trong các tác phẩm của mình. Zhong Lin thậm chí chưa bao giờ nghĩ mình có một phong cách sáng tác riêng biệt và độc nhất cho đến khi mọi người bắt đầu nói với cô rằng họ chỉ cần nhìn nhác qua là nhận ra bức ảnh nào là tác phẩm của cô.
KHÔNG CÓ QUY TRÌNH SÁNG TẠO CỤ THỂ NÀO
Zhong Lin không có một quy trình sáng tác cụ thể nào cho mỗi shoot hình. Đa số các tác phẩm của Zhong Lin trước nay đều có liên quan đến yếu tố thời trang, nhưng giờ đây cô cố gắng để tránh việc tập trung quá nhiều vào những bức ảnh liên quan đến thời trang. Cô bắt đầu chuyển hướng sự chú ý của mình sang những lãnh địa mới trong nhiếp ảnh. Lin chia sẻ: “Khi ở trong vùng đất của sự sáng tạo, điều tất yếu là bạn sẽ phải gắn chặt những cảm hứng của mình với đời sống, văn hoá, môi trường và những con người xung quanh bạn. Bạn có thể được truyền cảm hứng chỉ bởi một bữa sáng hoặc khi đang xem tivi.” Đó chính là lý do Zhong Lin luôn mang theo một cuốn sketchbook, bởi cô không bao giờ có thể biết trước được khi nào thì ý tưởng sẽ ập tới. Tóm lại, Zhong Lin không có một quy trình sáng tác cụ thể nào nhưng cô luôn trong trạng thái sẵn sàng để quan sát và hấp thu bất cứ thứ gì tạo cảm hứng cho cô.
Âm nhạc có vai trò khá lớn đối với các photoshoot của Zhong Lin. Cô luôn tạo ra các playlist dành riêng cho từng buổi chụp, tuỳ thuộc vào concept, vibe và tone mà cô muốn tạo ra. Nhưng quan trọng hơn đó là sự tương tác giữa Zhong Lin và người mẫu trong quá trình chụp. Thường thì Zhong Lin không gặp gỡ nhân vật trước buổi chụp, bởi cô thích khám phá tính cách của họ thông qua các shoot hình hơn. Cô không bao giờ chỉ đạo người mẫu phải pose như thế nào hay phải đứng ở một vị trí xác định, thay vào đó cô nói với họ: “Hãy là chính mình và phiêu với âm nhạc, cảm nhận những sự rung động mà âm nhạc mang lại.” Cô muốn truyền cảm hứng cho người mẫu cũng như muốn người mẫu truyền cảm hứng ngược lại cho cô để họ có thể cùng nhau khơi dậy những phần bất ngờ nhất trong chính họ.
Tính tự phát và ngẫu hứng là một đặc điểm thường thấy trong các buổi chụp của Zhong Lin, khi sự tương tác trong buổi chụp bất ngờ mang lại một điều gì đó mới mẻ nảy ra trong đầu. Cô cũng rất thích việc ghi lại những khoảnh khắc mang tính chuyển tiếp. Team của Lin rất hiểu vision của cô và họ bắt nhịp rất nhanh với mọi chuyển động của Zhong Lin khi cô đang chụp. Bởi vậy mà tính tự phát này thường xuất hiện như một sự ứng biến có tổ chức.
THỬ THÁCH “365”
Trong khoảng thời gian lockdown vì đại dịch đầu năm 2020, Zhong Lin đã tự thử thách bản thân với nhiệm vụ mỗi ngày phải tạo ra một bức ảnh liên tục trong 365 ngày. Trong hai tuần đầu, Zhong Lin cảm thấy vô cùng áp lực vì những khó khăn trong việc tìm kiếm ý tưởng và những người cộng sự, ví dụ như chủ thể (nhân vật), make up artist, hair artist… Điều đó khiến cô bị ức chế đến mức cô đã tự hỏi liệu mình có thể làm được điều này hay không. Nhưng cuối cùng nhờ có người trợ lý của mình, Lin nhận ra chuyện tự gây áp lực cho bản thân là một điều vô nghĩa, thay vào đó cô cần phải tận hưởng quá trình sáng tác, vì điều quan trọng nhất với cô là được sáng tạo, chia sẻ và thử nghiệm những thứ mới mẻ, thú vị. Cô bắt đầu tiếp cận những người có background khác nhau và cho phép tính ngẫu hứng can dự vào quá trình đưa ra quyết định của mình, cùng với câu thần chú “hãy tận hưởng việc sáng tạo”.
Zhong Lin chia sẻ rằng cô là kiểu người cần một nhip độ thử thách liên tục để không bị rơi vào trạng thái nhàm chán. Project 365 đã tạo cho Lin động lực để thử thách bản thân và liên tục tìm ra những phương thức mới trong quá trình sáng tác và điều chỉnh – đó là một cách quan trọng để Lin tự hỏi bản thân xem mình thực sự muốn gì.
Zhong Lin đang muốn tìm kiếm những sự thay đổi và đột phá. Thoát khỏi vùng an toàn và tạo ra thay đổi là những thứ mà cô luôn đi tìm, và Project 365 này đã giúp cô khám phá và thúc đẩy những giới hạn của bản thân. Hiện tại, Lin đã hoàn thành xong bức ảnh thứ 211.
(Bài viết có tham khảo một số bài phỏng vấn Zhong Lin trên i-D, CNN và World Photo)
P.S: Hi everyone,
Mình quyết định tự đặt ra một challenge nho nhỏ cho bản thân là mỗi tháng viết về hai artist (mình chỉ chọn các artist thế hệ mới, vì những người gạo cội hoặc các huyền thoại thì đã có quá nhiều người viết một cách đầy đủ và chi tiết rồi) mà mình yêu thích hoặc cảm thấy có hứng thú, trong mọi lĩnh vực và không giới hạn quốc tịch. Series này có tên là New-Gen Artists, và người đầu tiên mình giới thiệu trong series sẽ là Nhiếp ảnh gia Zhong Lin, một nữ nhiếp ảnh gia mà mình rất yêu thích bởi tư duy sáng tạo độc đáo và gu thẩm mỹ ấn tượng.
Nội dung này được tạo ra bởi Daoonclouds, bất cứ bên nào nếu muốn sử dụng lại vui lòng liên hệ và ghi rõ nguồn.
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #photographers #photography #ZhongLin
newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 2022Kenzo sale-保養品化妝品試用心得,精選在PTT/MOBILE01討論 ... 的推薦與評價
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #BETAK #bureaubetak #fashionshow #fashionshowrevolution #creative. Daoonclouds. 大約1 年前. ... <看更多>
newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 tokyo live camera tokyo在食尚玩家、ubereat、ptt網友讚爆,網友必 ... 的推薦與評價
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #BETAK #bureaubetak #fashionshow #fashionshowrevolution #creative. Image Description ... ... <看更多>
newgen_artists_curatedbydaoonclouds 在 2022Kenzo sale-保養品化妝品試用心得,精選在PTT/MOBILE01討論 ... 的推薦與評價
#NEWGEN_ARTISTS_curatedbyDaoonclouds #BETAK #bureaubetak #fashionshow #fashionshowrevolution #creative. Daoonclouds. 大約1 年前. ... <看更多>