[Apply experience] Kinh nghiệm apply học bổng Tiến sỹ ở Mỹ (và châu Âu)
Cả nhà ơi một thành viên trong group Scholarship Hunters - bạn Nguyên vừa chia sẻ kinh nghiệm apply học bổng Tiến sỹ từ cách chọn chủ đề nghiên cứu, chọn giáo sư hướng dẫn đến việc chọn trường và khoa. Bài viết chi tiết nên khá dài, cả nhà hãy đọc đến cuối để rút ra được nhiều kinh nghiệm thông qua những chia sẻ của tác giả nha. À link group để mọi người join FREE thoải mái nhé, thảo luận, chia sẻ nhé:
https://www.facebook.com/groups/scholarshiphunter/
Một chút về bản thân tác giả:
Mình vừa tốt nghiệp bằng Thạc sĩ Peace & Conflict Studies ở Uppsala vào tháng 6 này. Tháng 8 năm nay mình sẽ bắt đầu học PhD khoa học chính trị tại Vanderbilt. Mình bắt đầu chuẩn bị cho hồ sơ PhD vào tháng 9 năm 2018, nộp hồ sơ vào tháng 12 và tháng 1/2019. Mình nộp tổng cộng 10 trường ở Mỹ và đậu 3 trong đó 3 trường (nghĩa là cũng rớt đến… 7 hồ sơ lận đó ạ). Con số này cho thấy việc nộp PhD không khó như mọi người tưởng, nhưng thật sự nó cũng không dễ ăn như một số bạn trong group này hay mô tả. Dù mình chỉ nộp PhD ở Mỹ, mình cũng có kinh nghiệm làm việc trong môi trường học thuật ở châu Âu chủ yếu là trong khoa học chính trị. Bài viết này chắc sẽ hữu dụng hơn cho các bạn học KHXH.
CÂN NHẮC GÌ KHI CHỌN TRƯỜNG ĐỂ HỌC BẰNG PHD?
1. Chọn theo chủ đề nghiên cứu:
· Dù là ở Mỹ, châu Âu, và Úc thì điều đầu tiên bạn cần làm là xác định mình muốn nghiên cứu chủ đề gì. Mình thường thấy nhiều bạn vào group hỏi cách nộp hồ sơ PhD và thạc sĩ, cũng như hỏi cách chọn trường nhưng ít thấy các bạn đề cập chủ đề nghiên cứu mà bạn quan tâm. Vấn đề này quan trọng vì tùy theo nhân sự, mỗi trường sẽ có một điểm mạnh khác nhau. Nếu bạn muốn tập trung đào sâu về chính trị Đông Nam Á chẳng hạn, thì bạn sẽ khó được nhận vào một department chuyên sâu về nội chiến hay chính trị Trung Đông. Chưa kể là nếu bạn được nhận chưa chắc sẽ được giáo viên hỗ trợ đầy đủ vì họ không có chuyên môn trong lĩnh vực của bạn.
· Chủ đề nghiên cứu cần cụ thể thế nào? Ở châu Âu, Úc, và Anh, bạn thường phải nộp một research proposal cùng với hồ sơ của bạn. Nếu đây là trường hợp của bạn, mình nghĩ đây là một tài liệu hữu dụng: [http://www.raulpacheco.org/tag/research-proposal/](http://www.raulpacheco.org/tag/research-proposal/). Ở Mỹ, bạn chỉ cần nói về chủ đề đó trong personal statement, do đó bạn cũng không cần đi quá sâu. Tất nhiên càng cụ thể, độc đáo càng tốt, nhưng vẫn phải súc tích. Bonus nếu bạn có thể đề cập phương pháp nghiên cứu mà bạn nghĩ sẽ giúp bạn thực hiện được chủ đề của mình.
2. Chọn giáo viên:
· Sau khi xác định được 1-2 chủ đề chung, bước tiếp theo của bạn sẽ là chọn giáo sư hướng dẫn. Ở châu Âu, thường bạn sẽ chọn 1 giáo sư với một dự án nghiên cứu nhất định. Ngược lại ở Mỹ, nhất là ở bên KHXH, bạn sẽ không được chọn giáo sư hướng dẫn ngay từ ban đầu mà chỉ sau năm 2, khi bạn bắt đầu vào làm luận văn tiến sĩ. Khi đó, bạn cần 1 committee có ít nhất 2 người. Theo quan sát của mình thì committee có thể có giáo sư từ trường khác nữa, nhưng với yêu cầu trên thì bạn nên chọn khoa nào có ít nhất 2 giáo sư với lĩnh vực chuyên môn có phần nào trùng với chủ đề nghiên cứu của bạn.
· Mình cũng phải nói thêm là ngoài nội dung của chủ đề nghiên cứu, bạn cũng có thể chọn giáo sư X vì họ có chuyên môn trong một phương pháp nghiên cứu mà bạn muốn sử dụng trong tương lai chẳng hạn.
· Đây cũng sẽ là các giáo sư sẽ giúp bạn viết CV, cover letter, cũng như viết reference letters cho bạn khi xin việc sau PhD… nên họ không chỉ dạy bạn cách nghiên cứu mà còn mentor bạn trong các lĩnh vực khác. Vì vậy, bạn nên chọn giáo sư (1) đủ già để có kinh nghiệm để mentor bạn; (2) đủ trẻ để biết họ còn ở khoa trong ít nhất 7-8 năm nữa; (3) giáo sư đã có tenure để đỡ mất công họ chuyển đi trường khác làm giữa quá trình PhD của bạn.
· Làm sao để lọc danh sách giáo sư? Một shortcut là bạn có thể lấy một bài báo khoa học mới nhất trong chủ đề bạn quan tâm, lật xuống phần reference list và google tên các giáo sư được nhắc đến trong bài. Sau đó, bạn có thể vào website của họ xem họ đã hoàn thành nghiên cứu nào và có dự án nghiên cứu mới nào khác không. Ở giai đoạn này, bạn nên có một file excel để liệt kê ra trường A có giáo sư X chuyên nghiên cứu chủ đề m, giáo sư Y chuyên chủ đề n, v.v. sẽ rất tiện khi bạn bắt đầu viết personal statement. Mình nghĩ tầm 10 trường là con số đẹp, thực tế.
· Về cách viết personal statement, bạn nên đọc link này: [https://maithanhtruong.net/2017/04/22/viet-luan-xin-hoc-bong-o-xu-tu-ban/](https://maithanhtruong.net/2017/04/22/viet-luan-xin-hoc-bong-o-xu-tu-ban/). Chỉ xin bổ sung tip của bản thân mình: vì mình hơi kĩ tính, nên dù nộp 10 trường, mỗi personal statement của mình đều được chỉnh sửa cho mỗi trường và các giáo sư của trường đó. Để làm được điều này, mình vào trang web của giáo sư, đọc abstract của các bài báo cáo khoa học mới nhất của họ, theo đó chỉnh sửa chủ đề nghiên cứu và viết research question cụ thể trong personal statement. Mình nghĩ điểm này khá quan trọng vì bạn cũng muốn biết chắc ý tưởng của mình mới lạ, độc đáo, và cần thiết cho thực tế - chứ không phải đơn giản là à mình thích chủ đề x nên sẽ nghiên cứu về nó, dù đã có 100 người khác nghiên cứu nát cái chủ đề rồi. Việc này khá tốn thời gian, thế nên dù bạn đọc hướng dẫn nộp PhD nào không phải ngẫu nhiên mà mọi người đều khuyên bạn chuẩn bị từ sớm!
· Có nên liên lạc giáo sư từ trước không? Có rất nhiều câu trả lời khác nhau cho câu hỏi này. Chị Trương Thanh Mai cũng đã viết một bài blog dài rất cụ thể ở đây: [https://maithanhtruong.net/2017/06/17/phd-o-my-lien-he-voi-giao-su-truoc-khi-nop-ho-so-tai-sao-khong-nhi/](https://maithanhtruong.net/2017/06/17/phd-o-my-lien-he-voi-giao-su-truoc-khi-nop-ho-so-tai-sao-khong-nhi/). Kinh nghiệm bản thân mình thì 50-50… có lúc email giáo sư người ta bơ mình thấy cũng hơi cụt hứng, nhưng cũng có những giáo sư nhiệt thành trả lời. Nếu có thời gian, bạn cũng nên thử xem 🙂
· Ở châu Âu cũng như Úc, mình nghĩ bạn nên trao đổi với giáo sư, sau đó dùng nội dung trao đổi đó để trau chuốt bài luận cũng như research proposal của mình. Mình hiện đang làm nghiên cứu sinh tại một trường ĐH ở Thụy Điển, và theo thầy hướng dẫn của mình cũng như đồng nghiệp là học sinh PhD, đây là một trong những cách dễ gây ấn tượng nhất.
3. Chọn trường và khoa:
· PhD thường từ 4 năm trở lên, nên bạn cũng phải cân nhắc xem ngôi trường tương lai của bạn có thực sự là một môi trường tốt hay không. Thành phố đó đời sống sinh hoạt thế nào? Có an toàn không? Có nhiều cơ hội phát triển về nghề nghiệp không?
· Trường có mạnh về tài chính hay không? Việc này cũng rất quan trọng vì bạn không thể chỉ cạp đất mà ăn suốt năm năm ròng rã. Theo kinh nghiệm cá nhân thì các trường top đều có funding cho học sinh cả. Để tham khảo, bạn có thể check stipends của trường và ngành của mình tại đây: [http://www.phdstipends.com/results](http://www.phdstipends.com/results). Tài chính mạnh không chỉ để đơn giản là sống, mà nó còn giúp bạn mở ra các cơ hội đi conference, học thêm summer school, funding sau này khi bạn muốn đi field research. Nhìn chung, ở Mỹ, các trường top của ngành đều có stipends khá tốt. Ở Bắc Âu đãi ngộ còn cực kì tốt nữa -- lương cao, nhiều ngày nghỉ, nam nữ đều có chế độ nghỉ sinh con khá rộng rãi, hỗ trợ chi phí hoạt động thể thao, chi phí massage để thư giãn…
· Thêm nữa thì sau khi được nhận rồi, bạn cũng nên cân nhắc xem trường đối đãi với học sinh cao học như thế nào. Đối với người Việt, có được một suất học tiến sĩ ở nước ngoài là một cơ hội lớn. Nhưng không phải trường nào cũng tốt với học sinh cao học, mà học sinh quốc tế vì vấn đề visa lại càng dễ bị động hơn lỡ khi bị… ngược đãi. Mình không dám nói tên trường nào ở đây vì mình nghĩ nó cũng tùy theo ngành học nữa, nhưng để nắm bắt thông tin thì bạn có thể lên… Twitter mà xem, hoặc email thẳng các anh chị năm trên trong khoa. Thường theo kinh nghiệm của mình thì mọi người đều rất thẳng thắn. Nên chọn trường có graduate union.
Tất nhiên còn ti tỉ thứ về quá trình nộp hồ sơ PhD nữa mà mình không thể nhắc đến ở đây. Ở Mỹ, tuyển sinh PhD được mở hàng năm và đóng số vào cuối tháng 12/đầu tháng 1, nên bạn nên chuẩn bị từ giờ 🙂 Ở châu Âu thì không được đều đặn như vậy.
Bạn nào quan tâm về quan hệ quốc tế và khoa học chính trị thì có thể đọc các offer PhD mới trên Twitter (@HaThaoNguyen) nha. Các bạn muốn học Research/Phd thì page cũng có 1 Khoá Research/Mentor Phd với sĩ số nhỏ, giảng viện xịn đó nhé. Inbox mình email hoặc gửi mail về [email protected] với CV của bạn nếu có để lấy info lớp.
<3 Tag và chia sẻ bài viết đến bạn bè nếu thấy có ích nhé <3
#HannahEd #duhoc #hocbong #sanhocbong #scholarshipforVietnamesestudents
Search